Con người có thể có tư duy vì nó có nhục cảm : ta cảm nhận, ý thức thế giới và người đời xuyên qua ngũ giác quan.
Mỗi người chỉ có 5 giác quan thôi. Thế mà người đời có ý niệm về một điều gì đó được gọi là giác quan thứ sáu hay con mắt thứ ba. Vì sao ? Vì, nói chung, ta không cảm nhận thế giới qua từng giác quan một, nhất là một cách tuần tự, đứt quãng như trong tư duy bằng ngôn ngữ. Ta cảm nhận nó qua nhiều giác quan cùng một lúc. Đó là chưa kể tới những ký ức mơ hồ tồn tại ở ta ngay khi ta cảm nhận. Cách cảm nhận tổng hợp ấy có thực, gọi là giác quan thứ sáu hay con mắt thứ ba cũng được. Nó làm nền tảng cho điều mà ta gọi là trực giác.
Người học võ chắc đã từng nghiệm sinh điều này : lúc "lâm trận" nên cố gắng quên tất cả, đừng nghĩ, đừng nhớ gì hết, cố làm cho đầu của mình càng trống rỗng càng tốt. Vì sao ? Vì một chức năng cơ bản của lý trí là kiềm chế bản năng và cảm tính của con người để mở đường cho tư duy lý tính hay/và đạo đức. Mặt nào đó, nó khiến con người "đui mù" đi một tí. "Xoá" bớt nó đi có thể tạo điều kiện cho bản năng và cảm tính tự-nhiên của con người nhạy bén hơn, cảm nhận nhanh hơn bất cứ mọi thay đổi trong thế giới quanh mình và, qua đó, phản ứng nhanh nhậy hơn.
Lang thang ở Úc, tôi được nghe chuyện này : có người thổ dân, Aborigène, hướng dẫn du khách trong rừng mà không chịu đi giày. Chàng bảo : mang giày vào, tôi làm sao phát hiện được con rắn đang trườn mình trong cỏ ? Bản năng và cảm tính của con người có thể bén đến thế đó !
Lại một nghiệm sinh khác mà có lẽ nhiều người đã từng sống. Có khi gặp người khác lần đầu, hoặc thấy phong cách, thái độ, cử chỉ, lời nói của nó trong một chuyện rất nhỏ nhoi, ta có cảm giác như nắm bắt được "bản chất" của nó. Rồi ta quên. Rồi nhân một chuyện quan trọng, ta bỗng sững sờ thấy nó ứng xử y như điều ta đã từng cảm nhận. Cái kiến thức "tiền ý thức" ấy, có người gọi là linh tính. "Tiền ý thức" ở đây chỉ có nghĩa này thôi : trước khi vận dụng lý trí để phân tích và tìm hiểu. Chứ đã nên người rồi, chẳng ai xoá sạch được ý thức ở mình. Ý thức ấy đậm văn hoá đã nhào nặn ra chính mình. Đành vậy.
2009-01-09
(Lang thang chữ nghĩa)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét